6 thể loại trò chơi team building kinh điển

06-04-2020

Trò chơi team building là chất liệu cơ bản nhất, thông dụng nhất trong các chương trình tổ chức team building. Bởi vì trò chơi là nền tảng cho sự sáng tạo và truyền đạt nhiều thông điệp xây dựng đội ngũ, văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Trò chơi, ngoài giá trị về giải trí còn giúp con người tăng khả năng tương tác, đào tạo và truyền thông với nhau. Dưới đây, chuyên gia teambuilding Nguyễn Bá Tùng tổng hợp và chia sẻ 6 loại hình trò chơi team building tiêu biểu. Mời quý khách hàng và bạn đọc tham khảo:

1. Truy tìm kho báu: là một tổ hợp các trò chơi lớn nhỏ khác nhau được tổ chức trên một vùng địa hình rộng, đa dạng. Vì là một chương trình trò chơi tổng hợp nên giá trị của nó được nhìn nhận nhiều mặt về phát triển tư duy, kỹ năng cá nhân và kỹ năng đội nhóm, tinh thần cá nhân và đồng đội… đặc biệt nó thỏa chí tưởng tượng, khám phá của người tham gia. Còn ban tổ chức dễ dàng lồng ghép câu chuyện, hoạt động khác vào kịch bản. Sau này, loại hình trò chơi truy tìm kho báu được phát triển thành những show game truyền hình thực tế ăn khách như Amazing Race, big games, mật thư…

Những thể loại trò chơi team building

2. Trò chơi team building Vượt vật cản: 

Nó là thể loại trò chơi đồng đội tập trung vào mục tiêu: chiến thuật, sự phối hợp ăn ý giữa thành viên trong đội nhóm và năng lực lãnh đạo của đội trưởng. Trò chơi luôn yêu cầu đội nhóm phải đưa thành viên vượt qua vật cản một cách nhanh nhất, an toàn và đúng luật. Vật cản có thể là mô hình dòng sông, bãi mìn, mê cung, bộ chướng ngại vật phức hợp, mạng lưới… Với mỗi tình huống và vật cản khác nhau sẽ tạo nên nội dung cũng như mức độ hấp dẫn riêng của trò chơi. Giá trị của trò chơi được nêu bật và đi sâu, ngấm vào người tham gia team building khi áp dụng phương pháp huấn luyện của ban tổ chức. (xem thêm Huấn luyện team building như thế nào?)
Những trò chơi thuộc thể loại vượt vật cản của ANCORIC: Xây cầu vượt sông, Đóng cọc qua biển, Vượt lưới nhện, Cầu gẫy, Thảm bay, Mê cung, Bãi mìn, Tải thương binh…

 

3. Dây thăng bằng: Trò chơi này được sáng tạo theo motip mỗi thành viên trong đội nhóm cầm và điều khiển chiếc dây mà đầu chung của những chiếc dây đó buộc vào một vật thể trung tâm. Theo đó, mỗi cá nhân chỉ được phép điều khiển dây của mình, không được rút ngắn, không được chạm vào vật thể trung tâm, sao cho cả đội phối hợp ăn khớp và đưa vật thể về đúng điểm đích. Đồ vật trung tâm có thể là ván gỗ đựng nước, bóng, thang gỗ, thúng, xô nước… Trò chơi phát huy mạnh mẽ yếu tố “cùng nhau và ăn ý” của thành viên nhóm. Một góc độ khác cũng được khai thác đó là giá trị trách nhiệm trong đội ngũ. Bởi vì, bản thân điều khiển một sợi dây như điều khiển con rối mà lại đông người tác động đến nó, từ đó dẫn đến việc dây căng, dây trùng, dây cao, dây thấp… làm nghiêng, rơi, đổ vỡ vật trung tâm. Mà khi hỏng việc, nhiều người lại đổ lỗi cho nhau… tinh thần trách nhiệm cần được phân tích, thấu hiểu và cam kết.

 

4. Truyền tin: là thể loại trò chơi phỏng quá trình/quy trình làm việc tại các công ty, đội nhóm. Khi mà kết quả của người trước là đầu vào của người sau; khi mà việc bàn giao thông tin, hồ sơ luôn luôn, liên tục, gấp gáp nhưng cần độ chính xác cao. Đội nhóm gặp vấn đề khi một “mắt xích” nào đó bị đứt quãng hoặc thiếu chính xác. Thông tin/công việc bị sai lệch mà chính người sau không hề biết. Trò chơi cho đội ngũ cái nhìn tổng quan về quy trình nhóm và ý nghĩa về sự tập trung, để tâm trong công việc. Tất cả gói gọn trong triết lý Cho và Nhận đơn giản và sâu sắc!

5. Mẫu trò chơi team building Xây tháp:

Khác với 4 nhóm thể loại trò chơi trên là vận động, với Xây tháp bạn có thể tổ chức trò chơi trong nhà, trên lớp học vì mức độ vận động không lớn nhưng đổi lại là mức độ tư duy sáng tạo và phối hợp nhóm tương đối cao. Yêu cầu thể loại này là đội nhóm cần xây dựng một tháp bằng vật liệu cho trước (hoặc không cho trước) sao cho tháp cao nhất có thể, vững chắc và đẹp…Tất nhiên là trong khoảng thời gian, địa điểm và vật dụng giới hạn nhất định. Chính nguồn lực giới hạn đó đã yêu cầu đội nhóm phải tư duy sáng tạo sao cho hiệu quả nhất, ngoài ra đội nhóm có sự phân công theo kế hoạch, có người lãnh đạo nhóm và xử lý những sự cố, vấn đề gặp phải. Thể loại trò chơi này được phát triển thành loại hình trò chơi “thiết kế sáng tạo” ví dụ: thiết kế mặt nạ, thiết kế xe, ghép bè, làm súng thần công, đồ gia dụng tái chế…

 

6. Gỡ rối hoặc còn gọi thể loại trò chơi thách thức sự kiên nhẫn, tài năng quan sát điều hành của đội trưởng và sự lắng nghe thấu hiểu của thành viên đội nhóm. Tình huống trò chơi luôn đẩy đội nhóm vào trận địa mắc kẹt, mắc rối bởi dây, lưới, tay chân, bịt mắt hoặc mê cung… Những người thiếu kiên nhẫn và thiếu thái độ hợp tác sẽ phát khùng lên với ban tổ chức, thậm chí họ bỏ cuộc. Nhưng trò chơi này chính là một ví dụ nhỏ mô tả đống vấn đề, công việc cũng như mối quan hệ mỗi người gặp phải. Bạn cảm thấy mắc rối hay mạch lạc rõ ràng; bạn cảm thấy bực mình hay cảm giác thích thú khám phá chinh phục và giải quyết; bạn vội vàng mất phương hướng hay bình tĩnh suy xét nhìn nhận đâu vấn đề… Tất cả chỉ phụ thuộc vào thái độ của bạn mà thôi. Do đó, trò chơi này không thách thức kỹ năng, nó thách thức tinh thần của bạn thì đúng hơn.

Cuối cùng, tại sao chúng tôi lại chia sẻ bài viết cốt lõi này? Lẽ nào không e ngại ai đó (đối thủ) copy và sử dụng sao? Sứ mệnh của chúng tôi là Phát triển đội ngũ, nếu bài viết này có ích cho đội ngũ của bạn, cho một sự kiện hoặc thêm nhận thức về team building thì chúng tôi đang đi đúng hướng. Chia sẻ là tự do!

Chuyên gia teambuilding Nguyễn Bá Tùng