Tổ chức lữ hành du lịch và sự kiện sẽ sống chung với COVID-19 như thế nào?
Không ai dự đoán được trước tình hình dịch bệnh COVID-19. Nếu như năm ngoái, chúng ta đã từng đặt niềm hi vọng cho năm mới 2021 này kiểm soát COVID-19 tốt hơn. Do chúng ta có nhiều kinh nghiệm và năng lực y tế cao hơn. Nhưng không ai biết được biến thể sẽ thay đổi phức tạp như hiện nay.
Một viễn cảnh tương đối sạch COVID, là khi tỷ lệ dân cư của vùng đấy (vùng cấp huyện, tỉnh, miền) được tiêm vắc-xin cao đạt miễn dịch cộng đồng. Và khi thuốc đặc trị virus này cũng phổ biến, dễ sử dụng. Để bệnh nhân dễ dàng mua thuốc và tự điều trị tại nhà. Nó sẽ giống cách chúng ta phòng ngừa và điều trị bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, để đạt được viễn cảnh đấy, chúng ta phải chờ khá lâu nữa. Chúng ta mới có 27,3 triệu liều/tổng cần là 150 triệu liều vắc-xin. Và trong quá trình chờ đợi như vậy, đã có rất nhiều tổ chức kinh doanh, công ty phải đóng cửa, phá sản, dừng hoạt động. Báo Thanh Niên đưa tin "85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường" trong tháng 8 này. Hôm qua, 29/8/2021 trên VnEconomy đưa tin: "Thủ tướng: Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối". Điều này, có nghĩa chúng ta còn phải chờ rất lâu mới quay lại trạng thái "bình thường mới" như 2020 đã từng có. Mà chúng ta phải tìm cách thích ứng với dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh và phòng và chữa COVID. Vậy những ngành nghề nào được ưu tiên? “Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo, từ nay, tất cả hàng hóa đều là hàng thiết yếu dù phục vụ sinh hoạt hay sản xuất cũng như nhau, chỉ trừ hàng cấm. Mọi tuyến đường đều là luồng xanh, dù cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ hay đường thôn, xã không phân biệt". (theo lời của bộ trưởng Nguyễn Văn Thể).
Tóm lại, không phân biệt ngành nghề nào ưu tiên hoặc bị cản trở mà là tất cả hàng hóa. Quan trọng là đơn vị nào đảm bảo an toàn phòng dịch sẽ được kinh doanh.
Nhìn ra nước bạn Singapore đã có sự thay đổi giống như chủ trương ở trên. Chấp nhận sống chung, sản xuất trong tình trạng dịch bệnh vẫn diễn biến. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nói rằng Singapore là quốc gia đặc biệt, diện tích nhỏ, dân số ít, vốn giàu có và công nghệ quản trị cao. Do đó, các giải pháp ứng phó sống chung với COVID của họ có thể sẽ khả thi hơn chúng ta. Điều đó có nghĩa, Việt Nam chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều.
Du lịch và Tổ chức sự kiện là ngành nghề "đi trước về sau" trong cơn hoành hành COVID. Khi dịch còn manh nha, các ngành nghề khác vẫn kinh doanh được thì anh em bị hủy show, hủy booking rồi. Và khi dịch gần vãn các ngành nghề khác đã kinh doanh trở lại thì tour tuyến, event vẫn ngồi đấy chờ sạch hẳn. Đến năm nay thì sao? Chúng ta phải sống chung với COVID, nếu tiếp tục tư duy "đi trước về sau" chờ sạch sẽ hẳn thì có lẽ ngành nghề này sẽ "tuyệt chủng". Dưới đây là vài ý tưởng ứng phó của tôi đưa ra, mời anh chị tham khảo
Trước hết, tin vui là nhu cầu của khách hàng rất lớn. Tuy dịch dã có ảnh hướng đến kinh tế của nhiều khách hàng, song không phải tất cả khách hàng đều cắt hết ngân sách. Những tháng ngày phải làm việc tại nhà bức bách sẽ khiến nhu cầu muốn ra ngoài, vận động, thăm thú sẽ tăng cao. Chiếc lò xo bị nén chặt, sẽ bật lên mạnh mẽ hơn. Vậy, những sản phẩm du lịch, sự kiện nào sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong tình trạng sống chung với COVID?
Quay trở lại với ví dụ của Singapore. Những người tham gia sự kiện sẽ phải tiêm vắc-xin từ 1 đến 2 mũi. Bao gồm cả nhân viên tổ chức và khách hàng tham dự. Các biện pháp khử khuẩn, khẩu trang và khoảng cách vẫn được duy trì. Các sự kiện trong nhà hoặc không gian kín và đông người, khoảng cách sát nhau sẽ bị hạn chế. Sẽ ưu tiên những chương trình ngoài trời tương đối độc lập và số lượng ít người. Ví dụ, các homestay độc lập sẽ là một lựa chọn. Khi nhân viên phục vụ homestay đều tiêm vắc-xin và đã test âm tính trong vòng 48h. Không gian homestay được khử trùng trước khi khách hàng đến. Còn khách hàng sẽ tham gia chương trình dạng "bong bóng". Tức là một không gian an toàn nhỏ xuyên suốt từ nhà --> công ty --> khu du lịch. Không dừng đỗ hoặc đơn lẻ ai đó đi ra ngoài.
Khái niệm vùng xanh hoặc vùng bong bóng trong du lịch cần được áp dụng. Đấy là những khu vực tương đối lớn và biệt lập so với bên ngoài. VD như đảo Phú Quốc, Cát Bà, Vân Đồn, các khu resort lớn...Những khu vực này có khả năng kiểm soát chặt chẽ luồng người ra-vào. Nhân viên phục vụ và khách hàng cũng phải đáp ứng các điều kiện như tiêm vắc-xin, xét nghiệm âm tính và giữ 5k. Tuy phát sinh chi phí phòng dịch, những vẫn được hoạt động và đón khách. Nhà tổ chức phải đáp ứng được một chuỗi giải pháp đưa, đón, ăn, nghỉ, vui chơi cho khách hàng một cách khép kín và an toàn.
Một dòng du lịch nữa sẽ nổi lên là du lịch tự túc, du lịch cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Đặc trưng là số lượng thành viên đoàn ít người, dễ kiểm soát an toàn. Tính linh hoạt cao và dễ dàng tìm những địa điểm ăn uống, lưu trú, tham quan nhỏ gọn, giãn cách. Các dịch vụ cho dòng khách này: booking phòng, vận chuyển lưu trú luồng xanh trọn gói, cho thuê thiết bị cắm trại, cho thuê các thiết bị phòng dịch...
Dòng tổ chức sự kiện gắn với các ứng dụng công nghệ đã đang và sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển hơn. Các giải pháp về trường quay ảo, không gian ảo, 3D, livestream, Zoom trong gần 2 năm qua đã phát triển rất nhanh, mạnh. Và kể cả khi chúng ta đã đạt được "viễn cảnh sạch COVID" thì phương pháp tổ chức sự kiện trực tuyến này vẫn được sử dụng và tiếp tục phát triển. Bởi lý do, những chương trình này dễ tổ chức, chi phí không cao, độ phủ không giới hạn và khách hàng đã quen chấp nhận điều này rồi. Đây là cơ hội cho những nhà phát triển các sản phẩm công nghệ, thiết kế và cung cấp thiết bị, quy trình tổ chức gắn với công nghệ.
Trong dòng chảy của sự thay đổi ứng phó với COVID-19 thì có lẽ bất lợi nhất là dòng du lịch lữ hành đoàn đông hàng trăm, ngàn người. Những sản phẩm du lịch có đặc điểm đông người đi đứng san sát nhau. Những sản phẩm du lịch biển mùa hè, lễ hội xuân, học sinh tham quan theo đoàn cả trường học sẽ phải thay đổi. Những người làm dịch vụ tiếp xúc trực tiếp như hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nhân viên phục vụ bàn, lễ tân sẽ phải thay đổi rất nhiều về quy trình nghiệp vụ để thích ứng. Khách hàng có thể là chia thành các tốp nhóm nhỏ, đi theo một lộ trình duy nhất. An toàn và không tiếp xúc chéo.
Lời kết, ai cũng mong đợi "bao giờ cho đến ngày xưa" nhưng sẽ còn rất lâu nữa. Chờ đợi trong mòn mỏi nên được thay thế bằng tư duy ứng phó với tình hình mới. Đến hôm nay, tôi sẽ không nói lời chúc suông như dịch bệnh sớm qua nữa. Mà thay bằng năng lực ứng phó cao hơn để vượt qua các thách thức này. Chúc mọi người mạnh khỏe và an toàn!
Nguồn: Nguyễn Bá Tùng Outing